Ghé thăm làng chài cổ đẹp nhất thế giới ở vịnh Hạ Long
“Ngày cưới ở đây không có thiếp hồng, cả chục chiếc thuyền buồm được kết hoa ngũ sắc, trai gái trên thuyền đan tay nhau chèo thành từng hàng giữa mênh mông sóng nước, bốn bề trung điệp núi non. Ngày cưới ở đây như ngày hội của cả làng, ai cũng đến góp sức chung vui. Người lớn thì hát giao duyên, hát chèo, còn trẻ con thì chạy nhảy vui đùa râm ran cả 1 vùng sông nước” – Ông Nguyễn Văn Hào, 72 tuổi, ở tổ 8, khu tái định cư, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bồi hồi nhớ lại ký ức về làng chài đẹp nhất thế giới.
Trên chiếc thuyền cũ kỹ, ông Vũ Văn Hùng, Phó giám đốc HTX du lịch làng chài Hạ Long đưa chúng tôi ra thăm các làng chài trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long vào một ngày cuối tháng 5, cái nắng của hè tháng 5 gay gắt nhưng mát mẻ làm ánh lên những vệt sáng loang trên những vách núi đá. Sau 2 giờ lênh đênh trên sông nước, ông Hùng chỉ tay rồi nói: Đó là làng Chài Cửa Vạn, nơi được mệnh danh là làng chài đẹp nhất thế giới.
Bạn có thể tham khảo:
“Giải mã” sức hút của di sản thế giới Vịnh Hạ Long
Làng chài đẹp như một bức tranh thủy mặc được khắc họa rõ nét đến từng chi tiết khiến trái tim vô cùng xao động
Chúng tôi nhướn người lên cao, thấp thoáng phía xa xa là những mái nhà nhiều màu sắc được kết lại trên những chiếc bè nằm sát nhau, lưng tựa vào núi. Và cuối cùng cái gì đến cũng sẽ đến, một khung cảnh đẹp như mơ dần hiện ra trước mắt. Ôi chao! Làng chài đẹp như một bức tranh thủy mặc được khắc họa rõ nét đến từng chi tiết khiến trái tim vô cùng xao động.
Được biết, làng chài Cửa Vạn là nơi sinh sống của hàng nghìn ngư dân chuyên làm nghề chài lưới. Không chỉ vậy nó còn là trung tâm văn hóa của tất cả các làng chài khác trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Cứ đến rằm trung thu là cả dân làng tập trung với nhau hát giao duyên, hát ghẹo, hát chèo đường… Xưa nay cuộc sống luôn thu nhỏ lại chỉ bằng chiếc thuyền, ăn trên thuyền, ngủ trên thuyền, sinh con đẻ cái cũng trên thuyền…Cuộc sống của người dân nơi đây lênh đênh trên sóng biển, tuy thiếu thốn thật đấy nhưng lúc nào cũng thấm đậm cái tình, gần gũi và thân thương.
Làng chài Cửa Vạn là nơi sinh sống của hàng nghìn ngư dân chuyên làm nghề chài lưới
"Từ ngày sinh ra, tôi đã là người của làng chài, hàng ngày theo bố mẹ bắt tôm, bắt cá sống qua ngày. Hỏi những người già nhất ở đây cũng không biết làng chài có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ nói mình có gốc gác là người Quảng Yên (Quảng Ninh) thôi” - cụ Nguyễn Văn Hào, cho biết. Làng chài Cửa Vạn không chỉ là nơi sinh sống của con người mà còn chứa đựng một kho tàng lịch sử, những bí ẩn của 1 nền văn hóa đặc sắc vẫn chưa được khai quật hết.
Không chỉ phong cảnh non nước hữu tình mà con người nơi đây cũng chân chất, mặn mà, tình nghĩa, sắt son. Với tất cả những yếu tố đó, Cửa Vạn đã trở thành điểm thăm quan hấp dẫn trên bản đồ thế giới, trung bình hàng năm Cửa Vạn đón hàng triệu lượt khách du lịch. Khi đã đến đây, nhiều du khách đều nói lời hẹn gặp lại với làng chài cổ đẹp như trong tranh này.
Con thuyền nhỏ cũ kỹ bắt đầu di chuyển, nhẹ nhàng lạch qua những vách đá vôi dẫn chúng tôi đến làng chài Vung Viêng – Một ngôi làng nằm ẩn mình ở thung lũng trong vịnh Bái Tử Long. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ mà chất lượng ngọc trai ở đây thuộc loại hảo hạng. Vung Viêng cũng là trung tâm kinh tế, buôn bán, trao đổi của cả khu Cặp Dè (bao gồm khu Cống Đỏ, Cống Đầm, Cặp La và Vung Viêng).
Làng Chài Vung Viêng nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ, chất lượng ngọc trai thuộc loại hảo hạng
Bạn có thể tham khảo:
Điểm đặc biệt của Vung Viêng chính là chiếc “cổng làng” được thiên nhiên ban tặng. Hang xuyên thủy đã tạo nên 1 chiếc cổng kỳ vỹ nằm giữa muôn trùng sóng nước. Trước kia, người dân ở làng chỉ cần chèo thuyền ra đến cổng là có thể quay về vì ở đây cá nhiều vô kể, chưa kịp thả lưới xuống thì cá đã nhảy cả lên mạn thuyền” - cụ Nguyễn Văn Hiệp, ngư dân cao tuổi nhất trong làng kể lại.
Một số nhà khảo cổ đã đến đây tìm kiếm, một số mảnh gốm có niên đại hàng năm trăm đã được tìm thấy, khi thủy triều xuống, một vài nơi vẫn lộ lên những móng nhà được cho người xưa để lại. Cách thương cảng Vân Đồn không đến 2 giờ căng buồm, Vung Viêng chính là nơi tập trung của các thương lái trong và ngoài nước làm nơi trú chân và tránh bão trước khi cập bến cảng Vân Đồn.
Trước đây, hàng năm Vung Viêng đón hàng triệu lượt khách đến thạm quan nhưng thời gian gần đây số lượng cũng đã giảm dần. Nguyên nhân là năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định di dời các làng chài trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long lên định cư trên bờ tại khu tái định cư thuộc phường Hùng Thắng (TP Hạ Long) để đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường vịnh. Giờ đây chỉ còn trơ trọi những ngôi nhà nhỏ, một số người dân được chèo thuyền chờ khách ra tham quan nhưng đến tối phải vào bờ.
Làng chài cổ ở Hạ Long đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới
Làng chài giờ đây không còn trọn vẹn nữa, những ngôi nhà bé nhỏ trên sông nước vẫn đứng đó mà cửa đóng then cài. Nhiều du khách đến đây cảm thấy không hài lòng. Ánh nắng của biển khơi nhẹ nhàng đẩy chúng tôi len qua những vách đá vào bờ. Làng chài cổ khuất dần sau những ngọn núi, màn đêm dần buông xuống bao trùm cả một khoảng không vô định. “Làng chài sẽ được hồi sinh, tôi ở đây để gây dựng lại và giữ gìn bản sắc của những làng chài “tiền sử” này rồi ông Hùng cất cao giọng hò, giọng hát âm vang cả một sông nước, thấm qua những kẽ đá của muôn trùng núi non, cũng giống như lời hứa của ông với làng chài trên vịnh.
“Cao nhất là núi Vung Viêng
Thấp nhất là biển, cao hơn là trời”…
Chúng tôi giơ tay cao vẫy chào làng chài cổ. Hẹn một ngày nào đó, chúng tôi sẽ còn quay lại!!!!!
Nguồn: halongwave.vn