Tìm kiếm du thuyền

Tìm Tour

Kinh nghiệm du lịch đảo Quan Lạn từ A-Z (Phần 2)

Trong phần 1 Halongwave đã giới thiệu đến các bạn về hòn đảo Quan Lạn với nhiều nét hoang sơ và thơ mộng, thời gian thích hợp để tham quan, cách di chuyển, đi lại và lưu trú trên đảo. Phần 2 này chúng ta tiếp tục tìm hiểu các địa điểm ăn uống, vui chơi trên đảo nhé!

Ăn uống ở đảo Quan Lạn

Dịch vụ ăn uống ở Quan Lạn chưa được phát triển, vì vậy bạn nên đặt trước nếu không muốn bị đói. Ngoài ra nên đem theo đồ ăn sẵn cũng như nước bởi ở trên đảo không có nước ngọt.

Một số loại hải sản ở Quan Lạn nổi tiếng là sá sùng, tu hài, ngao, cù kì, bề bài… là những món đặc sản mà bạn không thể bỏ qua khi tới đây.

Một số nhà hàng nổi tiếng trên đảo

Thay vì bị chặt chém ở các quán lề đường, hải sản thì là đồ đông lạnh, phục vụ thì không chuyên nghiệp, lựa chọn nhà hàng luôn là một sự sáng suốt để chuyển đi của bạn vừa thoải mái vừa an toàn sức khỏe. Tuy nhiên nhiều bạn lo lắng vì giá thành của nhà hàng sẽ tương đối cao, nhưng đừng lo lắng vì Halongwave sẽ gợi ý giúp bạn một số nhà hàng chất lượng rất ổn mà giá cả lại phải chăng.

Nhà hàng Khải Mai

Nếu muốn thưởng thức những món hải sản tươi ngon ngay tại vùng đất biển nơi này thì nhà hàng Khải Mai là một lựa chọn rất thích hợp. Vì nhà hàng nằm gần biển, bạn có thể cảm nhận trực tiếp cái gió biển mát lạnh trong lành, mang theo cả hơi mặn của muối biển, và cả cái cảm giác như được đi chân trần trên cát mát rợi.

Dừng chân ở nhà hàng Khải Mai và chọn cho mình những món ngon dân dã như: ốc vú nàng, cá mú đỏ hấp gừng, hải sâm, rau câu chân vịt,...hay những món đặc biệt như cà ghim, sá sùng, ốc móng tay,… để có thể vừa thưởng thức vừa khám phá vẻ đẹp biển xanh. Còn gì tuyệt vời khi cùng gia đình, đốt lửa trại bên bờ biển tổ chức nướng các món ăn từ hải sản biển này. 

Nhà hàng Grand Pearl

Nhà Hàng GrandPearl tọa lạc trong khuôn viên của Khách sạn GrandPearl resort có sức chứa từ 200 đến 300 thực khách, với thiết kế mới mẻ, không gian sang trọng, hiện đại. 

Nhà hàng Grandpeal có phòng ăn chung và phòng vip riêng sang trọng ấm cúng. Phòng ăn vip có bàn steam box để thực khách hưởng trọn vẹn hương vị các món hải sản tươi sống tại địa phương.

Chắc chắn khi có kế hoach đi du lịch biển đâu đó thì hầu hết du khách đều mong muốn được ngồi cạnh biển để vừa thưởng thức các hải sản của biển, vừa được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hùng vĩ mà biển mang lại. Khách sạn GrandPearl resort là khách sạn đẹp gần biển nhất, chỉ cách bãi biển khoảng 20 bước chân.

Địa điểm vui chơi trên đảo

Đền Quan Lạn

Đền Quan Lạn nằm kế bên chùa Quan Lạn, là nơi thờ 3 anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng), những người đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn – Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288

Thương cảng cổ Vân Đồn

Năm 1149 vua Lý Anh Tông cho thành lập trang Vân Đồn để buôn bán với người nước ngoài, mở ra sự hình thành và phát triển của hệ thống thương cảng Vân Đồn – cánh cửa hội nhập đầu tiên của nước ta.

Đây cũng là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia … Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là Lý – Trần – Hậu Lê (Lê sơ) rồi suy thoái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích Thương cảng Vân Đồn còn chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống ngoại xâm lại vừa có dấu ấn về giao thương, buôn bán.

Thương cảng cổ Vân Đồn không phải là một bến cảng với những cầu tàu nối tiếp trên một vũng biển như hiện nay mà gồm nhiều bến thuyền phân bố trên chiều dài hàng chục km từ Nam lên Bắc. Từ đại dương đi vào, bến đầu tiên của cảng Vân Đồn là Cái Làng nằm sát dưới chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn. Đối diện với bến Cái Làng là bến Cống Cái nằm dưới chân núi Vân, rồi bến Con Quy ven đảo Ngọc Vừng, các bến thuyền nằm giữa hai đảo Cống Đông, Cống Tây.

Hiện nay, những gì còn sót lại của thương cảng nằm ở bến Cái Làng, từng là trung tâm thương cảng và là đầu mối giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước. Cái Làng nằm sát chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Trước kia, đây là khu vực trung tâm diễn ra các hoạt động buôn bán các loại hàng hóa quý như ngà voi, ngọc trai, đồ gốm… Nơi đây từng được coi là “bến cảng chính”, “cảng trung tâm” của thương cảng Vân Đồn.

Rừng Trâm

Trên đảo có một khu rừng trâm hàng trăm năm tuổi mà từ lâu đã đi vào huyền thoại như thần mộc của người dân nơi đây.  Theo người dân trong xã Minh Châu, rừng trâm được những thế hệ người đầu tiên đặt chân lên đảo trồng. Không một ai kể cả những người già trong làng biết rõ nguồn gốc, sự hình thành của rừng trâm. Trong làng lưu truyền câu chuyện về việc rừng trâm đã che chắn cho làng chài trước một trận bão lớn những năm 1945. Dù bị tàn phá, xơ xác sau bão nhưng rừng trâm đã kịp hồi sinh mạnh mẽ xanh tươi trở lại, đơm hoa kết trái dịp cuối năm cứu người dân qua nạn đói hoành hành thời điểm đó.

Rừng trâm Minh Châu có diện tích khoảng 14 ha, chạy dọc bên cồn cát trắng cạnh bãi tắm Minh Châu. Thật đặc biệt khi rừng trâm chỉ mọc tập trung, gắn kết với nhau thành một quần thể, một dải dài ven biển ôm lấy làng chài. Trâm là loại cây thân gỗ to, khả năng tái sinh tốt, có thể mọc nhiều nhánh đan xen với nhau.

Đến đây, chắc hẳn các bạn cũng có những cảm nhận và cái nhìn riêng về hòn đảo xinh đẹp này, chúc các bạn có một chuyến vi vu thật thoải mái và hoàn hảo nhé!

Theo Halongwave

Go to top